Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được Hội đồng Thẩm định thông qua, chỉ còn một số chỉnh sửa là có thể được phê duyệt, kết thúc quá trình thẩm định kéo dài hơn một năm qua. Đã có những thay đổi lớn trong dự thảo quy hoạch kể từ bản đầu tiên (tháng 3/2021), nhưng theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Việc thực hiện Quy hoạch lần này có thể sẽ khó khăn hơn cả Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Để so sánh, kế hoạch phát triển công suất các nguồn điện theo bản dự thảo mới nhất (4/2022) của phương án điều hành được so với giá trị trong bản dự thảo tháng 3/2021 (trước COP26), chúng tôi lấy hai mốc năm 2030 và 2045. Từ hai mốc thời gian này cho thấy: Trong khi nhu cầu Pmax không thay đổi trong cả hai dự thảo, các tính toán về nguồn điện đã có những thay đổi lớn do áp lực của cam kết Việt Nam đạt Net-zero vào năm 2050 (Bảng 1).
Bảng 1: So sánh quy hoạch công suất đặt trong dự thảo QHĐ8 trước và sau COP26:
Dự thảo mới ‘xanh’ hơn nhiều so với dự thảo trước COP26. Công suất đặt nhiệt điện than vào năm 2030 trong dự thảo mới nhất giảm 8% so với dự thảo trước COP26 (còn 37,467 GW) và đứng nguyên không thay đổi cho tới năm 2045, cùng với chú thích là điện than sẽ chuyển sang đốt biomass và/hoặc amoniac. So với bản dự thảo trước COP26 thì năm 2045 nhiệt điện than giảm tới 26%. Nếu việc đốt biomass và amoniac có thể thay thế được than thì đến 2045, nhiệt điện than thực tế sẽ không còn nữa.
Điện khí sử dụng khí trong nước hầu như không đổi so với dự thảo trước COP26, cho thấy các tác giả của dự thảo kiên quyết duy trì điện khí nội vì là nguồn điện chủ động đáng tin cậy đóng vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng. Tất nhiên, cũng có chú thích là điện khí nội sẽ chuyển sang LNG/hydrogen. Đa số các biện pháp giảm phát thải CO2 sau năm 2030 của quốc tế cũng đều phải dựa vào những công nghệ mà ngày nay còn chưa thương mại hóa, hay thậm chí còn chưa có tên gọi nên việc Dự thảo Quy hoạch điện VIII chú thích thêm như vậy hoàn toàn chấp nhận được.
Điện khí sử dụng LNG nhập khẩu cũng giảm mạnh so với dự thảo trước COP26 mặc dù có tăng mạnh trong giai đoạn trước 2030, sau đó cũng phải dùng hydrogen thay thế. Một phần do tác động của COP26, một phần do cuộc chiến Nga – Ukraina buộc phải tăng cường an ninh năng lượng.
Đến năm 2045, công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo và thủy điện chiếm 68,5% tổng công suất đặt của toàn bộ hệ thống điện. Một tỉ lệ rất cao. Ngoài ra, các nguồn điện gió ngoài khơi còn có nhiệm vụ sản xuất ra hydrogen hay amoniac xanh để lưu trữ năng lượng làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện chủ động phát điện, không phụ thuộc vào thời tiết.
Do tỷ lệ nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) tăng lên nên tỷ lệ dự phòng trừ điện mặt trời cũng tăng lên rõ rệt trong cả hai mốc 2030 và 2045 trong dự thảo trước và sau COP26. Việc bỏ điện mặt trời ra khỏi dự phòng là hợp lý vì điện mặt trời chỉ phát vào ban ngày và đạt đỉnh vào giữa trưa, sau đó xuống nhanh đến gần bằng không, trừ một vài nguồn có ắc quy dự trữ. Nhưng ngay cả điện gió Việt Nam trong thực tế tháng 3/2022 có thời điểm chỉ phát không được 1% công suất đặt (Hình 1). Điều đó cho thấy việc xếp toàn bộ công suất đặt điện gió vào dự phòng là không đúng và gây cảm giác dự phòng an toàn.
Hình 1. Công suất thực phát của điện gió trong tháng 3/2022 (theo NLDC). |
Ngoài điện gió thì công suất đặt thủy điện, tuy là nguồn có thể chủ động điều chỉnh phát, cũng không thể coi tất cả là nguồn dự trữ. Nếu loại bỏ nguồn điện mặt trời, chỉ lấy 50% công suất đặt của thủy điện và 10% công suất điện gió tính vào nguồn dự trữ, tỷ lệ dự phòng của hệ thống điện Việt Nam vào năm 2030 và 2045 lần lượt là 20% và 12%. Thông thường, hệ thống điện phải có dự phòng nguồn điện chủ động khoảng 30% vì một số nhà máy đến kỳ sửa chữa, hư hỏng đột xuất, giảm công suất phát do thời tiết nóng… Như vậy, tỷ lệ dự phòng vào năm 2030 đã bắt đầu thiếu và 2045 sẽ rất thiếu, nếu đất nước vẫn phát triển nhanh như trong phương án điều hành, hoặc việc xây dựng nguồn điện bị chậm tiến độ như đã xảy ra với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Việc thực hiện Quy hoạch điện VIII sẽ gặp rất nhiều thách thức. Cơ sở cho việc tăng nguồn NLTT là điện khí đang gặp khó khăn ngay từ hôm nay. Các dự án điện khí được đề xuất nhiều nhưng không có dự án nào triển khai được. Giá khí LNG nhập khẩu hai năm nay tăng cao khiến cho giá bán điện dự tính từ nhà máy điện dùng LNG tăng cao. Các mỏ khí trong nước đang cạn kiệt trong khi các mỏ mới có giá khí cao hơn mỏ cũ. Giá bán điện dự tính từ các nhà máy dùng khí từ các mỏ mới dự tính sẽ cao hơn giá bán lẻ điện hiện tại của EVN.
Trong khi đó, nếu các dự án điện khí không triển khai được thì các dự án NLTT cũng bế tắc. NLTT tuy có giá thấp hơn điện khí nhưng không ổn định, công suất khả thi của NLTT phụ thuộc vào công suất nhiệt điện có thể phát dự phòng. Sau 2030, việc ổn định lưới điện phụ thuộc vào hydrogen, amoniac và công nghệ lưu trữ. Các dự án về sản xuất hydrogen, amoniac chỉ có thể phát triển sau 2030, khi thế giới đã thương mại hóa công nghệ sản xuất hydrogen, amoniac, hay lưu trữ điện với giá thành chấp nhận được. Hiện nay chúng chưa đủ tính cạnh tranh về thương mại vì quá đắt.
Kết luận là chúng ta có một Quy hoạch điện VIII ‘khá đẹp’ và ‘xanh’, song việc thực hiện có thể sẽ khó khăn hơn cả Quy hoạch điện VII điều chỉnh./.
ĐÀO NHẬT ĐÌNH – CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Theo Năng Lượng Việt Nam
https://nangluongvietnam.vn/quy-hoach-dien-viii-duoc-thong-qua-kho-khan-van-o-phia-truoc-28708.html